Vangvieng – Thị trấn yên bình

Vangvieng – Thị trấn yên bình

Cách đây vài năm, trong hành trình đến Lào, tôi được biết đến Văng-Viêng (Vangvieng), một huyện thuộc Viêng-Chăn (Vientiane), một nơi mà lưu lại trong tôi những trải nghiệm thật khó quên dù thời gian ở nơi đây không nhiều. Vì nơi ấy, tôi đã có được những thời gian bình yên mà khó có thể tìm được ở những chuyến đi tới những vùng miền khác nhau của mình. Đến tận giờ, Vangvieng với tôi dù xa nhưng cảm thấy rất gần.

Vangvieng được bao bọc bởi các dãy núi đá vôi, dòng sông Nậm Song và rừng xanh, cách thủ đô Vientiane khoảng 160km với hơn 3 giờ chạy xe. Do không có sân bay dân sự ở Vangvieng nên theo lịch trình, đoàn chúng tôi bay đến Vientiane với Hãng hàng không Lào (thời gian này, Hãng hàng không Lào có chuyến bay đến Vientiane nhưng phải tạm dừng ở sân bay Pakse và chúng tôi làm thủ tục nhập cảnh tại đây nên mất nhiều thời gian hơn).

Một số hình ảnh tại Lào:

Khi đến Vangvieng, trời đã tối. Đoạn đường gần đến Vangvieng không được tốt nên anh tài xế cho xe chạy chậm hơn để an toàn, nhờ đó mà chúng tôi có thể ngắm cảnh đẹp xung quanh trong ráng chiều còn sót lại qua những mỏm núi nhấp nhô và những ngọn cây trong rừng xa xa. Nét đẹp hoang sơ làm cho tôi cảm nhận như cảnh vật đang muốn mời gọi con người tới Vangvieng vậy.

Đến Vangvieng thì trời mưa to. Chúng tôi ai cũng vội vã chạy theo con đường nhỏ vào khách sạn để tránh mưa và cái lạnh của miền sơn cước. Sảnh của khách sạn dường như ấm lên và nhộn nhịp hẳn với sự có mặt của đoàn chúng tôi.

Trong lúc chờ nhận phòng, T – thành viên trong đoàn bất chợt phát hiện ra chiếc đàn piano ở góc sảnh và thế là chúng tôi được thưởng thức những bài nhạc hòa tấu của Richard Clayderman mà T đàn như một nghệ sĩ thực thụ.

Mọi người yên lặng để lắng nghe những tiếng đàn của T hòa vào không gian xung quanh, và cảm thấy những mệt mỏi trong chuyến đi như được rũ bỏ, khoảnh khắc yên bình hiện rõ qua ánh mắt của mọi thành viên trong đoàn đang hướng về T, và chăm chú nghe không sót nốt nhạc nào mà T đang lướt trên piano, cái lạnh dường như tan biến đi chỉ còn lại những cảm xúc ngọt ngào.

Trời ngớt mưa và cũng là lúc chúng tôi ai cũng được nhận phòng. Mọi ngươi tranh thủ để về phòng nghỉ ngơi rồi hẹn nhau theo từng nhóm bạn tranh thủ tìm hiểu Vangvieng vì trưa hôm sau chúng tôi phải về lại Vientiane theo lịch trình. Tuy vẫn còn mưa nhưng chúng tôi vẫn thấy mọi người đổ ra đường tìm mua những vật dụng, quà lưu niệm, các món ăn vặt của địa phương.

Người du lịch sau những khám phá ở Vangvieng buổi sáng thì giờ có dịp đi ra phố với đủ màu sắc, ngôn ngữ từ nhiều quốc gia. Những quán ăn chen lẫn những nhà hàng truyền thống của Lào, những cửa hàng bán đồ lưu niệm đa phần là thủ công mỹ nghệ, sản vật địa phương kề bên nơi bán đồ dùng cho khách du lịch.

Đường phố tại Vangvieng – Nét thanh bình và thân thuộc

Người người ngồi ăn ngay bên hè phố, họ cùng nhau ca hát, trò chuyện với nhau như những người quen đã lâu giờ mới gặp lại, cảm giác rất gần gũi, cũng có khi tôi thấy khách du lịch khua tay để cố diễn tả ý muốn của mình cho dân địa phương hiểu hơn, thấy vừa quen mà vừa lạ.

Lào nói chung và Vangvieng nói riêng, vào những thế kỷ trước, chịu sự cai trị của người Pháp nên tiếng Pháp thông dụng hơn các ngôn ngữ khác ngoài ngôn ngữ địa phương. Thi thoảng trên đường, tôi nghe được những tiếng “cám ơn” với giọng nói lơ lớ của dân địa phương nói với những người mua hàng là người Việt Nam, cũng cảm thấy vui vui vì chí ít mình cũng có “đồng hương” trên đất khách.

Cũng có một số người Việt qua Lào sinh sống và lập nghiệp ở đây, nên chúng tôi không gặp khó khăn gì nhiều khi tiếp xúc. Người dân ở đây dễ mến và vui vẻ, dù tôi nhận ra cuộc sống của họ không mấy sung túc, vẫn bươn chải vì mưu sinh hàng ngày. Tôi cảm nhận được nét đẹp dân dã, mộc mạc của họ chưa bị “đô thị hóa” qua nụ cười tự nhiên của họ, qua cách họ nói chuyện với những khách du lịch như chúng tôi.

Trời càng về đêm, người đi ăn khuya, đi mua sắm thưa dần cũng là lúc chúng tôi về khách sạn nghỉ ngơi, giữ sức cho cuộc trải nghiệm với dòng Nậm Song cho ngày mai. Nghe anh chàng trưởng đoàn giới thiệu là cảm thấy háo hức như trẻ con, chỉ mong mau đến sáng mai để được nhìn thấy và trải nghiệm.

Khách sạn tôi ở nằm ngay bên bờ sông. Đến Vangvieng trễ và mưa đêm qua nên đoàn chúng tôi không có dịp thấy được cảnh đẹp và bình yên như thế nào cho đến sáng hôm sau. Mở ra trước mắt chúng tôi là khung cảnh mà ai cũng phải trầm trồ. Hít thật sâu và căng lồng ngực, không khí trong lành thật dễ chịu và sảng khoái làm sao! Cảnh đẹp làm chúng tôi muốn quên cả ăn sáng mà cứ mải mê chụp ảnh không thôi.

Bên kia sông, dãy núi Vangvieng ngay trong tầm mắt, một màu xanh còn khá nguyên sơ của rừng, của đại ngàn bí ẩn, như chào đón, như mời gọi du khách muôn nơi tìm đến và khám phá. Những căn nhà nhỏ thấp của dân địa phương xen lẫn trong cây xanh, những cánh đồng xanh màu lúa non, màu của sự sống, tươi mới. Ngay bên dưới, dòng Nậm Song mùa nước cạn vẫn đang cuộn chảy.

Khung cảnh nguyên sơ của núi rừng đại ngàn:

Sau khi ăn sáng xong, chúng tôi được anh H trưởng đoàn giới thiệu các trò chơi phổ biến ở đây, nào là chèo kayak, nằm trên phao thả theo dòng Nậm Song (trò giải trí này không phải nơi du lịch nào cũng có), đi khinh khí cầu nhìn toàn cảnh Vangvieng từ trên cao hay nhảy cầu theo kiểu rất ư là “Vangvieng“.

Đi khinh khí cầu ngắm nhìn toàn cảnh Vangvieng từ trên cao

Cả đoàn quyết định chọn trò “nằm phao trôi sông” vì ai cũng có thể chơi trò này cùng với nhau. Môn này giống trò chơi “dòng sông lười” ở các công viên nước tại Việt Nam nhưng thú vị hơn nhiều ở chỗ dòng sông chảy và đưa ta đi theo dòng của nó, không được định sẵn như ở công viên.

Chúng tôi xuống phao ở điểm nông của dòng sông nên nước ở 2 bên chỉ đến hơn đầu gối. Lúc này là mùa khô nên nước sông cạn, có nhiều đoạn nổi cả tảng đá giữa dòng, có đoạn thì nhìn nước trôi nhẹ nhàng nhưng lại có nhiều đá ghềnh ở bên dưới, có đoạn nước nông, có đoạn nước sâu đến ngang ngực khi hướng về hạ nguồn của sông, có đoạn dòng chảy chậm, có đoạn lại siết rất nhanh.

Đoạn sông chúng tôi khởi hành, dòng nước chảy khá hiền hòa nên chúng tôi thả mình trên phao mặc nước chảy cuốn đi. Thỉnh thoảng tôi thấy những vị khách đang thả mình trôi trên phao như chúng tôi dừng lại và leo lên các quán bar ven sông để nghỉ.

Dọc hành trình gần 3 cây số này có những quán bar “dã chiến” của dân địa phương có bán beer, các loại thức uống phục vụ cho du khách và dĩ nhiên không thiếu tiếng nhạc sôi động được bật lớn bên trong quán. Nếu thích lên quán nào chỉ cần vẫy tay là nhân viên trong quán sẽ ném cho bạn một cái phao nhỏ buộc vào dây thừng rồi họ kéo bạn vào. Dọc con sông là một không khí náo nhiệt và sôi động. Mọi người có thể tận hưởng những phút giây thư giãn hiếm có trong chuyến đi của mình ở Vangvieng.

Chúng tôi mỗi người mỗi kiểu buông xuôi mình trên phao, mặc cho phao trôi theo dòng nước và nhìn trời trong xanh theo đúng phong cách sống hưởng thụ từng khoảnh khắc của riêng mình. Tuy nhiên, phút yên bình cũng chẳng được lâu, khúc sông càng về cuối càng nhiều đá ghềnh và rất dễ mắc cạn. Phao của một số người trong chúng tôi bị mắc cạn, phải nhờ sự trợ giúp của đội “cứu hộ” địa phương chèo kayak theo đoàn đẩy phao ra giữa dòng sâu hơn.

Từ dưới mặt sông nhìn lên, cảnh sắc thật đẹp. Chiếc cầu treo bắc ngang sông, như đang ở lưng trời. Hai bên bờ, xen lẫn giữa rừng cây là khách sạn, nhà nghỉ, những ngôi nhà nhỏ hòa hợp với thiên nhiên xung quanh, không rực rỡ, không phô trương nhưng vẫn mang nét đẹp riêng của nó.

Chúng tôi tập trung theo từng nhóm nhỏ xuôi dòng vừa vui đùa vừa ca hát, mọi người dường như không nghĩ về lo toan hàng ngày nữa mà tận hưởng những gì thiên nhiên ban tặng cho Vangvieng.

Gần đến khúc sông sâu chúng tôi được các nhân viên trong nhóm hỗ trợ người địa phương kéo chúng tôi vào, thế là kết thúc một hành trình lênh đênh đầy thú vị. Mọi người nhanh chân về lại khách sạn để chuẩn bị cho chuyến đi về lại Vientiane ngay sau đó.

Tạm biệt Vangvieng với những trải nghiệm nho nhỏ trong đời nhưng đầy thú vị. Mọi người ai cũng thấy tiếc và ước gì được lưu lại Vangvieng lâu hơn, nhiều hơn.

Khoảng khắc yên bình và giản dị tại Vangvieng

Chúng tôi dừng ở quán ăn địa phương dùng cơm trưa. Ở Lào, mọi người thường hay ăn cơm nếp kèm với thức ăn, không như ở Việt Nam là ăn cơm. Cơm nếp ở đây rất dẻo và ngon. Hạt nếp dài thon được nông dân trồng mỗi năm chỉ một vụ mùa, không sử dụng phân bón như ở Việt Nam mà cây nếp, lúa ở đây dựa vào thiên nhiên là chủ yếu. Món ăn thường ăn kèm với cơm nếp là mắm, một dạng như mắm bò-hóc của người Khmer ở Việt Nam ăn kèm với các loại rau địa phương. Ăn trưa xong chúng tôi tiếp tục lên đường!

Thế là chúng tôi chính thức rời khỏi Vangvieng để lại phía sau rừng núi và những con người mến khách, nhưng chúng tôi mang theo bên mình là những kỷ niệm khó quên.

Hình ảnh chiếc cầu treo bắc qua sông Nậm Song

Trên chặng đường về lại Vientiane, tôi được nghe H hướng dẫn viên của đoàn kể thêm về tập tục của người Lào, về những ngôi chùa mà xe chúng tôi chạy ngang qua. Ở đây có rất nhiều chùa, chúng tôi không thể nào đếm hết.

Theo lời của H ở Lào có rất nhiều chùa, hơn bốn ngàn ngôi chùa lớn nhỏ. Đi chùa dường như là món ăn tinh thần của người Lào hàng ngày. Tôi tận mắt thấy sự trang nghiêm tuyệt đối của những con người từ lớn đến nhỏ với dáng vẻ bên ngoài không có gì đặc biệt nhưng cách họ hành lễ vói Đức Phật, tôi thầm ngưỡng mộ họ. Vì ở họ tôi thấy được đức tin không phân biệt tầng lớp xã hội, không phân biệt giàu nghèo, không ranh giới giữa con người với nhau, đức tin như đã ngự trị sâu thẳm trong từng con người ở đây.

Tôi thấy sự tôn kính của họ thể hiện ở sự cúng dường cho các nhà sư khất thực. Tôi thấy sự bình yên của họ khi hướng về Phật. Họ dường như đều bình đẳng và thân thiện với nhau, cùng hướng tới những điều tốt đẹp hơn vốn là nền tảng từ ngàn đời cho cuộc sống của họ và tôi hiểu được rằng những giá trị tinh thần của người Lào được hình thành từ niềm tin, niềm tin vào sự thông tuệ của Đức Phật Thích Ca, niềm tin vào con người với nhau.

Tôi cầu chúc cho đức tin, cho sự bình yên luôn hiện hữu trên gương mặt những người dân Lào, cũng như bất cứ nơi đâu trên trái đất này dù cuộc sống mưu sinh vẫn còn nhiều khó khăn và thiếu thốn.

Rời Vangvieng, rời Vientiane, rời đất nước Lào vẫn còn đâu đó sự nghèo khó trong cuộc sống hàng ngày nhưng tôi thầm cảm ơn họ đã cho tôi phút giây bình yên qua những nụ cười và sự thân thiện mà họ mang lại cho tôi. Một nơi xa lạ với tôi chỉ vài ngày trước mà hôm nay, tôi thấy như chính tôi ở nơi đây, vô cùng thân quen.

Với tôi, nơi đâu có niềm tin, có tình người và sự chân thành với nhau thì nơi đó sẽ rất đẹp và rất gần. Có thể một lúc nào đó trong đời, bạn cũng sẽ có suy nghĩ như tôi. Và với Vangvieng, tôi cũng có cảm nhận như thế đấy. Hẹn ngày trở lại, Vangvieng!

Để đặt vé máy bay đi Vientiane, quý khách hàng có thể đặt vé máy bay trực tuyến tại: www.pnr.com.vn của chúng tôi.

Hotline tư vấn và giải đáp thắc mắc: 028.3911.0220 hoặc 19001504

T. TRANG

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *